Hot

Mẹo hay

Mẹo vặt gia đình

Mẹo vặt làm đẹp

Mẹo vặt nhà bếp

Mẹo vặt công nghệ

Mẹo vặt sức khỏe

Mẹo vặt khác

Cách khởi động xe máy mùa đông

Mùa đông nhớt thường đặc hơn, xăng bay hơi kém nên cần có những lưu ý để khởi động để cho xe không bị chết máy và khó khởi động

Đạp khởi động trước khi mở khóa điện

Mùa đông, nhiệt độ thấp nên độ nhớt của dầu bôi trơn trong động cơ thường cao hơn mùa hè. Toàn bộ động cơ đang ở trạng thái tĩnh, độ nhớt dầu tăng khiến lực cản khởi động lớn. Việc đạp khởi động giúp phá vỡ trạng thái tĩnh đó, đồng thời đưa một lượng dầu dưới cacte đi bôi trơn.





Kiểm tra và tắt đèn

Khi động cơ chưa nổ, ắc-quy là nguồn cung cấp điện duy nhất trên xe. Càng nhiều phụ tải, dòng điện khởi động nhỏ, động cơ càng khó nổ. Không nhất thiết phải mở khóa điện mới xác định được trạng thái đóng tắt của đèn. Bởi thực tế, tại mỗi công tắc nhà sản xuất đều quy định vị trí kèm theo ký hiệu. Việc tắt đèn trên xe máy chỉ đơn giản là gạt công tắc đèn về phía có dấu chấm “.”

Kéo le gió

Một nguyên nhân khác khiến động cơ khó nổ vào mùa đông là nhiệt độ thấp, xăng bay hơi kém. Để động cơ khởi động dễ cần cấp thêm xăng. Le gió được bố trí bên tay trái, khi kéo le bướm gió trên đường nạp của động cơ đóng, độ chân không sau bướm gió tăng nhờ đó xăng được hút vào xi-lanh nhiều hơn.

Đề khởi động với động cơ dùng chế hòa khí

Người sử dụng có thể đề khởi động ngay sau khi mở khóa điện, chuyển số về Mo. Thời gian giữ nút đề không quá 20 giây. Nếu đề quá lâu sẽ làm giảm tuổi thọ và tiêu tốn nhiều điện năng của ắc-quy. Lần khởi động đầu tiên sẽ là lần ắc-quy khỏe nhất. Nếu động cơ vẫn không nổ, hãy chờ khoảng 30 giây để ắc-quy hồi điện trước khi khởi động lại. Sau vài ba lần khởi động, nếu vẫn không nổ máy, bạn nên chuyển sang khởi động bằng chân.

Đề khởi động cho động cơ phun xăng (FI)

Sau khi bật khóa điện, bạn cần chờ đèn CHECK ENGINE trên bảng táp lô sáng, sau đó tắt thì mới khởi động. Đây là giai đoạn máy tính điều khiển động cơ kiểm tra trạng thái làm việc của hệ thống phun xăng, hệ thống đánh lửa,.... Thời gian kiểm tra kéo dài không quá 45 giây. Trong trường hợp đèn CHECK ENGINE sáng liên tục không tắt, động cơ có thể đã gặp sự cố, bạn nên đưa xe tới cửa hàng sửa chữa khi có thể. Nếu đèn CHECK ENGINE tắt, thực hiện thao tác khởi động xe như với xe dùng chế hòa khí. Ở một số dòng xe, yêu cầu phải gạt chân chống, bóp phanh mới có thể khởi động.

Mở bướm gió

Sau khi động cơ đã khởi động, duy trì ở chế động không tải trong khoảng một phút để sưởi ấm động cơ. Tăng ga từ từ cho đến khi tiếng máy nổ giòn. Lúc đẩy le gió về vị trí ban đầu để mở bướm gió, đồng thời điều chỉnh ga để không bị chết máy.

Bảo dưỡng ắc-quy

Ắc-quy khỏe giúp động cơ dễ khởi động hơn. Trước mỗi mùa đông, bạn nên kiểm tra ắc-quy, bổ sung thêm nước và nạp no.

Theo VnExpress

Mẹo hay khi tẩy rửa đồ gia dụng được bền lâu

Bạn muốn tẩy rửa đồ gia dụng trong nhà như: lau dọn nhà, lau kính, rửa chén đũa... mà bạn không biết cách sẽ làm cho đồ nhanh hỏng. Vì vậy bạn nên chú ý một số điểm sau



 1. Cọ vết chất lỏng đổ ra thảm

Theo Bruce Vance, chuyên gia tẩy rửa trên chất liệu vải ở Bắc Carolina (Mỹ), việc cọ thảm sẽ làm cho các sợi thảm rời nhau ra, khiến vết bẩn do chất lỏng bị đổ loang rộng. Ngay cả khi vết bẩn được cọ sạch, bạn cũng không còn tấm thảm nguyên vẹn như xưa. Do đó, tốt nhất hãy gom toàn bộ chất lỏng đổ ra bằng thìa, sau đó dùng một tấm khăn hay vải trắng thấm phần chất lỏng còn lại (tránh dùng vải màu vì có thể bị phai màu). Thấm cho tới khi thảm khô, hoặc chặn một vật nặng lên phía trên tấm vải thấm và thay vải thường xuyên cho tới khô rồi mới dùng chất tẩy, lưu ý kiểm tra thử chất tẩy trước để đảm bảo chất tẩy không làm mất hay phai màu thảm.

2. Lau cửa kính vào ngày nắng

Liz Trotter, chủ một hãng chất tẩy rửa ở Olympia (Washington, Mỹ) cho biết, do trời nắng, chất tẩy bạn sử dụng sẽ nhanh chóng bị khô và để lại vết trên kính. Tốt nhất nên chọn ngày nhiều mây hoặc không quá nóng để làm công việc này. Khi dùng chất lau cửa kính, hãy để nó lại tầm một phút sau đó dùng mặt mềm màu trắng của xốp cọ (loại dùng cho nồi chống dính) để lau cửa kính. Lau ngang phần trên cùng, rồi lau dọc phần còn lại của cửa sổ một cách nhẹ nhàng. Hãy giữ lực lau đều tay và vắt sạch đầu lau sau mỗi lần để tránh chất lỏng nhỏ ra. Lau theo cách này với cả hai mặt kính.

3. Luôn dùng giấm và chanh để lau dọn

Cả giấm và chanh đều chứa axít có thể làm hỏng bề mặt đá tự nhiên như đá vôi, đá hoa hay mã não. Theo Vance, chúng sẽ ăn mòn vĩnh viễn bề mặt của đá. Dung dịch giấm (gồm giấm pha với nước) có thể được sử dụng để làm sạch cặn xà phòng và vệt nước bám lâu ngày trên các bề mặt của bồn rửa mặt, sứ và vòi hoa sen. Tuy nhiên với đá tự nhiên, chỉ nên sử dụng các dung dịch rửa trung tính được chế xuất chuyên dùng.

4. Dùng bã cà phê để tẩy mùi rác

Nếu dùng bã cà phê để tẩy mùi thùng rác mà không xả sạch lại bằng nước thì rốt cuộc bã cà phê có thể sẽ lại bám vào đáy thùng rác gây bẩn thêm. Thay vào đó, muốn tẩy mùi thùng rác, thỉnh thoảng hãy xay nhuyễn một quả chanh (hoặc cắt làm 4) để vào trong thùng rác để hút mùi. Hoặc có thể sử dụng một sản phẩm tẩy mùi rác bán trên thị trường, vệ sinh thùng rác thường xuyên.

5. Coi mọi chất tẩy rửa đều là chất khử trùng

Mọi dung dịch tẩy không được sản xuất giống nhau, hãy đọc kỹ thông tin trên bao bì sản phảm. Mỗi vị trí trong nhà (bồn tắm, bồn rửa bát, chạn bát….) đều cần sử dụng một sản phẩm chuyên dụng để khử trùng. Sản phẩm có chữ EPA trên mã (ví dụ EPA Reg No. 123) không phải chất tẩy trùng. Quan trọng bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Hầu hết chất tẩy trùng đều cần được giữ trên bề mặt vật áp dụng trong một khoảng thời gian cụ thể. Nếu bạn xịt chúng mà lau ngay, không giữ lại trong khoảng thời gian cần thiết thì chẳng có tác dụng khử trùng.

6. Lựa chọn sai công cụ để tẩy rửa

 Không nên dùng chất tẩy hay dụng cụ có tác dụng quá mạnh không phù hợp. Ví dụ mặt xanh lá cây của mút cọ 2 mặt để cọ những dụng cụ cực bẩn như đáy nồi và chảo hay thức ăn cháy bám trên đáy nồi, tuy nhiên chúng sẽ gây xước với những vật bằng nhựa, sứ, mặt bếp và các vật có lớp chống dính. Trong khi đó mặt trắng của mút cọ sẽ không làm xước bề mặt. Hãy đọc kỹ nhãn mác sản phẩm để biết nên sử dụng dụng cụ nào để rửa.

7. Sử dụng chất đánh bóng đồ gỗ mỗi lần lau dọn

Trước kia người ta vẫn dùng dầu và chất đánh bóng đồ gỗ do những đồ này chưa có bề mặt bảo vệ như bây giờ. Đối với đồ gỗ ngày nay bước này không còn cần thiết nữa. Với những đồ gỗ xưa, tốt nhất bạn nên tiếp tục sử dụng cùng một loại dầu để tránh phản ứng hóa học từ các loại dầu khác nhau làm hỏng bề mặt gỗ. Để lau đồ gỗ ngày nay, bạn chỉ cần dùng vài giọt nước thấm vào khăn ẩm và lau nhẹ nhàng.

8. Sử dụng quá nhiều sản phẩm tẩy rửa

Người dùng thường có xu hướng sử dụng thật nhiều sản phẩm tẩy rửa mạnh để có hiệu quả tốt nhất. Liều lượng được chỉ rõ trên bao bì sản phẩm. Hãy làm đúng theo chỉ dẫn và xả sạch lại, nếu không sẽ để lại một lớp màng bám chắc theo thời gian và vô cùng khó tẩy rửa.

Theo  womansday